Bí quyết pha chế các loại nước chấm ngon

Trong nhiều trường hợp, món ăn có ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào loại nước chấm kèm theo. Dưới đây là hướng dẫn của các đầu bếp Ezcooking giúp bạn pha chế một số loại nước chấm thường dùng.

Chấm gà luộc bằng mắm là chính.
Chấm gà luộc
Cách 1: Nước chấm từ nước mắm gồm các nguyên liệu sau: Một muôi nước mắm ngon, 1/4 thìa mì chính, 1/4 thìa hạt tiêu, vài lát ớt mỏng, một ít tiết gà luộc.
Loại nước chấm bằng nước mắm này rất phù hợp để ăn cùng cơm hoặc xôi trắng.
Chấm gà luộc bằng gia vị.

Cách 2: Chấm bằng bột canh, gồm các nguyên liệu: Một thìa bột canh, nửa thìa hạt tiêu, ớt tươi, nửa quả chanh, một ít tiết gà luộc.
Loại chấm này để chấm thịt gà luộc hoặc thịt gà nướng, có thể cho thêm chút lá chanh thái chỉ.
Đặc biệt có thể cho thêm hành khô thái lát mỏng và một ít tiết gà luộc.

Nước chấm nem, bún chả
Nguyên liệu: Một thìa nước mắm ngon, một thìa đường, một thìa dấm ngon, 5 thìa nước lọc.
Cách làm :
- Pha các nguyên liệu với tỉ lệ trên. Tỉ lệ này có thể điều chỉnh tuỳ theo khẩu vị và loại nước mắm, dấm cụ thể mà bạn dùng vì độ mặn, chua của các loại nước mắm, dấm không giống nhau. Sau khi hoà tan hỗn hợp này và nếm vừa ăn, ta mới cho tỏi ớt băm nhỏ vào.
- Lưu ý tỏi băm nhỏ và có thể ép dập một chút. Chắc chắn tỏi sẽ nổi trên mặt nước chấm trông đẹp mắt. Cuối cùng cho thêm một chút hạt tiêu là ta đã có một bát nước chấm nem hoặc bún chả hoàn chỉnh. Loại nước chấm này cũng có thể dùng cho các loại nem cuốn tươi Nam Bộ.
- Lỗi thường gặp trong khi pha loại nước chấm này là cho tỏi ớt vào quá sớm khiến người làm bị lẫn vị, khó điều chỉnh độ chua ngọt mặn hợp lý. Ngoài ra có thể do tỏi bị băm hơi to khiến tỏi nặng quá bị chìm, khiến bát nước chấm kém hấp dẫn. Nếu ăn bún chả, thông thường phần nước chấm được giữ ấm, khi ăn mới cho thêm tỏi ớt vào.

Nước chấm các loại cá hấp, cá luộc
Nguyên liệu: Một thìa nước mắm ngon, một thìa dấm ngon, một thìa đường, 3 thìa nước lọc, tỏi, ớt, gừng, thì là.
Cách làm:
Tỏi, ớt, gừng, rau thì là băm nhỏ. Pha nước mắm, dấm, đường, nước, điều chỉnh vị vừa ăn rồi mới cho tỏi, ớt, gừng, thìa là vào.
So với nước chấm nem, nước chấm cá luộc mặn hơn vì cá hấp và luộc vị nhạt nên cần nước chấm đậm, cũng có thể dùng vị chua của chanh để nước chấm thơm tự nhiên.
Loại nước chấm này có thể phù hợp để chấm các loại gỏi cá cuốn nướng.

Nước mắm lèo
Đây là một cách pha nước chấm khá độc đáo sử dụng lòng cá. Nước chấm này phù hợp chấm các loại cá hấp, cá luộc, cá nướng, hoặc lẩu cá. Phần ruột cá được rửa sạch, sau đó băm nhỏ vừa. Hành tỏi gừng, ớt được băm nhỏ phi thơm, sau đó cho lòng cá băm nhỏ vào xào thơm, lưu ý để nhiệt lớn sẽ giúp lòng cá không bị chảy nước gây ra mùi tanh.
Khi cá gần cạn cho thêm một muôi tương bần, một thìa nước mắm, nửa thìa mì chính và nửa thìa hạt tiêu và một thìa dấm, vẫn đảo mắm lèo liên tục và cho nhỏ lửa đun tiếp tới khi cạn. Thành phần của loại mắm lèo này còn có một thìa đường, nhưng đường chỉ cho vào sau khi nước lèo đã chế biến gần xong, nếu cho đường vào sớm, đường ngả màu có thể làm nước có màu quá tối không đẹp.
Loại nước chấm này phù hợp để chấm các món cuốn như cá nướng, trạch nướng cuộn cùng các loại rau ghém, chuối xanh, khế... còn để ăn cơm có thể dùng để chấm các loại rau củ luộc hoặc ăn cùng rau sống rất ngon miệng.
Nước chấm lẩu hải sản từ gia vị, mù tạt, hạt tiêu, ớt, chanh...

Nước chấm các món lẩu
Lẩu là món ăn quen thuộc trong Nam ngoài Bắc, 3 cách pha nước chấm lẩu sau đây sẽ là cách cơ bản nhất, ngoài ra các bạn có thể điều chỉnh tùy theo khẩu vị của mình.
Về cơ bản, nước chấm lẩu giúp ăn ngon miệng nên chúng ta thường dùng vị nước chấm hơi chua để kích thích ăn ngon và đỡ ngán.
Nước chấm lẩu có nguyên liệu chính từ mắm, tỏi, ớt...
Loại thứ nhất rất phù hợp để chấm hải sản gồm có những nguyên liệu sau: nửa thìa gia vị, 1/4 thìa mì chính, 1/4 thìa muối trắng, mù tạt xanh, một chút hạt tiêu bột, chanh tươi, ớt tươi.
Loại nước chấm các món lẩu thứ 2 sử dụng nước mắm làm nguyên liệu chính, bao gồm: 2 thìa nước mắm, nửa thìa đường, 1/4 thìa sa tế, ớt tươi, tỏi thái lát, 1/2 quả chanh vắt lấy nước.
Nước chấm lẩu thập cẩm hoặc lẩu bò.
Loại thứ 3 phù hợp để chấm lẩu thập cẩm hoặc lẩu thịt bò.
Những nguyên liệu cơ bản gồm có: 4 thìa xì dầu, nửa thìa đường, 1/4 thìa mì chính, tỏi ớt thái lát, hạt tiêu.
Nếu chúng ta không muốn vị tỏi quá nổi làm át mùi thơm của món ăn, tỏi chỉ nên thái lát thay vì băm nhỏ.

Bí quyết gọt và bày đĩa quả đẹp
Làm sao để gọt đu đủ mà không bị nát? Bổ và bày dưa hấu thế nào đĩa dưa vừa hấp dẫn lại thuận tiện cho người ăn... Các chuyên gia Ezcooking sẽ chia sẻ một số bí quyết giúp bạn có đĩa quả thật ngon, đẹp mắt.

Thanh Long
Cách 1: Bổ cau bình thường nhưng có thể gập phần vỏ lại. Thao tác đơn giản này sẽ khiến đĩa thanh long thêm lạ mắt, hấp dẫn.

Cách 2: Tận dụng lớp vỏ màu đỏ của thanh long nhằm tạo ra những lớp điểm xuyết đẹp mắt trên nền trắng.
Trước tiên các bạn bổ đôi dọc theo quả thanh long, dùng mũi dao lách dọc trên lớp vỏ, lưu ý không cắt quá sâu vào phần thịt của thanh long.
Tiếp theo dùng mũi dao lột bỏ phần vỏ to, để lại 3 đường chỉ trên nửa quả thanh long. Dùng dao xắt thanh long thành từng lát dày khoảng 1cm, dàn chéo thanh long.

Dưa hấu, dưa bở
Cách 1:
Bổ dọc quả dưa hấu, tạo thành miếng cau dài, lưu ý nên dùng dao sắc, dài và to bản, đường cắt cần dứt khoát, chính xác.
Sau đó dùng lưỡi dao lách đứt lìa phần vỏ và phần thịt. Vẫn đặt dưa hấu trên vỏ, xắt dưa thành từng miếng vừa ăn. Dùng lưỡi dao đẩy cho các miếng dưa lệch so le nhau. Lưu ý tránh chạm tay vào. Chúng ta đã có một đĩa dưa hấu ngon, đẹp mắt mà vẫn thuận tiện cho người ăn.
Lưu ý: để thêm dĩa ăn bên cạnh.
Cách 2:
Bổ đôi quả dưa hấu theo chiều ngang, đặt mặt dưa xuống thớt hoặc đĩa. Một tay giữ dưa, một tay dùng dao gọt bỏ vỏ dưa, tiếp đến bổ dưa thành miếng cau, xắt dưa thành từng miếng rồi dùng lưỡi dao đưa toàn bộ dưa hấu vào đĩa.

Đu đủ
Theo các giáo viên của EZcooking, có 2 cách có thể gọt đu đủ mà không bị nát.
Cách 1:
Gọt vỏ từng lát dài, sau đó dùng dao tách từng miếng và đặt lên đĩa, cách gọt này đặc biệt phù hợp với những loại đu đủ không có hạt.
Các bạn chú ý tách từng miếng xong đặt đu đủ vào đĩa và không chỉnh sửa sắp xếp nhiều để hạn chế chạm và làm nát đu đủ.
Cách 2:
Trước tiên bổ đôi quả đu đủ theo chiều ngang, nếu đu đủ có hạt dùng thìa nạo bỏ hạt. Đặt đu đủ lên mặt thớt sạch hoặc đĩa.
Một tay giữ đu đủ, một tay bạn dùng dao gọt vỏ đu đủ từ trên xuống, xoay đĩa để tiếp tục gọt hết toàn bộ vỏ đu đủ. Như vậy là quả đu đủ đã được gọt sạch mà tay bạn không hề chạm vào phần thịt của đu đủ.
Tiếp theo là cắt đu đủ thành từng miếng, cắt như thế nào hoàn toàn có thể do cách riêng của bạn, nhưng bạn cần nhớ hạn chế tối đa việc chạm tay vào đu đủ sẽ đảm bảo nhìn đĩa hoa quả tươi ngon hấp dẫn.
Bạn có thể dùng dao bổ đôi từ trên xuống, sau đó chia thành nhiều miếng nhỏ và đặt các miếng vào đĩa theo hình đối xứng hoặc theo hàng đều nhau.

Dứa
Cách 1:
Bạn không cần gọt vỏ. Dứa có thể rửa sạch, giữ nguyên phần lá. Dùng dao chẻ quả dứa làm 4. Tiếp đó dùng dao lưỡi mỏng, bản nhỏ lách vào phần thịt phía trên và phía dưới sẽ có phần thịt dứa. Với cách này phần tay sẽ không chạm chút nào vào phần thân dứa nên đảm bảo dứa không nát.
Cách 2:
Cách thứ hai sử dụng dụng cụ bỏ lõi dứa. Dụng cụ này cũng có thể dùng với các loại hoa quả có ruột lõi như táo, lê... Với cách này, sau khi gọt vỏ bỏ mắt như thông thường, dứa được lấy bỏ phần lõi.
Sau đó cắt khoanh tròn và xếp lên đĩa, thêm một vài quả dâu tây hoặc quả sơ ri là ta đã có một đĩa hoa quả đẹp mắt rất phù hợp mỗi khi nhà có khách.
(Trung tâm hướng dẫn nấu ăn Ezcooking Class, 15 Bích Câu, Hà Nội, điện thoại: 4.37325732)