Canh ngheu nau bau

Đây là kinh nghiệm nấu món canh nghêu với bầu vừa bổ vừa mát của một bà nội trợ. Bạn có thể tham khảo để đãi cả nhà một bữa thật ngon.

Nguyên liệu: 300 g bầu non, 2 kg nghêu sống, ớt bột, tiêu, hành băm nhuyễn, dầu ăn hoặc mỡ nước, 1 muỗng hành lá ngò cắt nhỏ, bột ruốc khô hoặc tươi.
Cách làm: Bầu gọt vỏ, cắt khoanh dày chừng nửa phân rồi cắt lại thành dạng sợi dày.
Nghêu rửa sạch đun với 2 chén nước đến khi vừa hé miệng. Đợi nghêu nguội thì cạy lấy nạc, để riêng nước luộc.

Ướp trộn đều vào nạc nghêu: 1/4 muỗng cà phê ớt bột (nếu thích ăn cay) + 1/2 muỗng cà phê muối + 1/2 muỗng nhỏ tiêu + 2 muỗng cà phê hành băm thật nhuyễn. Để khoảng 10 phút, làm nóng 1-2 muỗng súp dầu ăn (hoặc mỡ nước) cho nghêu vào, đảo đều trong khoảng 15 giây.

Lược lại nước luộc nghêu, thêm vào ít nước vừa ăn. Nấu sôi, thả bầu vào, thăm chừng bầu vừa chín dòn thì nêm lại với chút muối và vài muỗng bột ruốc đã làm khô. Sau đó, cho phần nghêu xào vào, cho sôi lại.

Múc canh ra tô, rắc hành ngò và chút tiêu bột lên canh, ăn nóng.
Nếu dùng ruốc tươi để nêm thay vì ruốc làm khô thì hoà tan chừng 2 muỗng cà phê ruốc (hoặc gia giảm tùy chất lượng ruốc đang có) với lưng chén nước rồi mới châm từ từ nước ruốc vào canh cho vừa đậm đà, sau cùng mới cho thêm ít muối.

Bạn có thể thay bầu bằng rau muống. Khi đó, có thể nêm vào canh 1/3 muỗng súp gừng non cắt sợi thật nhuyễn.

Goi cua thanh long

Món gỏi cua thanh long ngon, lạ miệng, bạn có thể làm để chiêu đãi cả nhà vào những ngày cuối tuần này.

Nguyên liệu: (4 phần ăn): Thịt cua hấp chín: 200 g, bắp cải trắng: 200 g, bắp cải tím: 100 g, cà rốt: 1 củ, hành tây: 1 củ, củ kiệu: 100 g, ớt: 1 trái, húng cây: một ít, 50 g đậu phộng rang, 1 trái thanh long.

Cách làm:
Bắp cải rửa sạch, bào sợi để ráo. Cà rốt, củ hành tây, ớt cắt sợi. Pha 2 muỗng xúp nước mắm, 2 muỗng xúp đường và một muỗng xúp chanh thành nước mắm trộn gỏi. Trộn đều các loại rau củ rồi rưới nước mắm vào.
Cắt đôi trái thanh long, múc bỏ bớt ruột. Cho rau trộn vào, để thịt cua lên trên, rắc đậu phộng và trang trí thêm rau húng. Gỏi cua ăn với bánh phồng tôm.


Meo lam cac mon luoc ngon

Dùng nước dừa, cho thêm ít muối, đun sôi, cho tôm vào, canh tôm vừa đỏ thì vớt ra ngay. Tôm luộc đúng độ sẽ ngọt đậm, mềm mà vẫn dai.

Bạn đừng nghĩ làm món luộc đơn giản, chỉ cần đun nước sôi, cho vào, đợi chín và vớt ra. Thật ra, mỗi loại thực phẩm có cách luộc riêng. Tham khảo các mẹo sau để làm các món ăn của bạn thêm ngon.

- Luộc rau ngon:

Với các loại rau xanh như cải bẹ xanh, cải ngọt, rau muống: nên cho nước nhiều, thêm một ít muối vào nước luộc và để lửa lớn cho nước sôi già mới cho rau. (Có thể sau khi vớt, cho rau vào ngâm trong nước đá, rau vừa xanh lại vừa giòn. Nhưng cách này làm mất một số vitamin trong rau)
Với bông cải trắng hoặc xanh: cũng làm như cách trên, khi ngâm vào nước đá, bông cải sẽ giòn, không bị mềm hay rã những đọt bông trên mặt.
- Cách luộc lòng heo được trắng và giòn
Khi luộc, chờ nước thật sôi mới thả lòng vào. Lúc lòng chín tới vớt ra đem nhúng ngay vào chậu nước có pha một chút phèn chua (nước phèn này đã được đun sôi để nguội). Làm như thế, lòng sẽ trở nên trắng trẻo, giòn.

- Luộc gà
Cho gà vào nồi lúc nước lạnh, bỏ thêm một miếng gừng và hành nướng đập dập cho thơm, đun sôi thì để lửa nhỏ, thỉnh thoảng cho thêm một chút nước lạnh vào nồi. Gà chín, tắt bếp, om một lúc, vớt ra thả vào chậu nước đun sôi để nguội (thả thêm vài cục đá), con gà trông sẽ căng mọng và ăn da rất ngon. Muốn trông gà vàng ươm thì lấy nước mỡ gà quyết lên da.
Muốn chặt gà đẹp, bạn hãy để ráo nước và thật nguội mới chặt.

- Luộc chân giò được mềm mà vẫn giòn
Nếu là bắp giò thì trước khi luộc bạn dùng sợi dây lạt bó miếng thịt lại cho chặt. Sau khi luộc chín, vớt ra cho vào một tô nước lạnh ngâm chừng 5 phút, để miếng thịt trông trắng và sạch hơn. Bạn cũng có thể vớt ra để nguội rồi cho vào tủ lạnh, lúc ăn mang ra thái miếng mỏng.

- Luộc thịt bò bắp cho vừa mềm, thơm
Dập một củ xả, một miếng gừng, cho thêm ít mắm, ngũ vị hương, và khoảng 1-2 thìa cà phê rượu trắng vào ít nước, cho bắp bò vào đun cạn, cho thêm một ít nước lạnh vào đun tiếp gần cạn rồi vớt thịt ra.

Bi quyet nau nuoc dung ngon

Nếu nấu nước dùng bị đục, bạn hãy băm thịt rồi trộn lòng trắng trứng, nấm hương cho vào (lúc nước nguội). Cách này không chỉ làm nước dùng trong mà còn thơm và ngon hơn nhiều.

Đây là một trong những bí quyết mà bà Vương Thị Thắng, trưởng khoa quản trị chế biến Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội chia sẻ với các bà nội trợ khi nói cách nấu các loại nước dùng sao cho trong, ngon.


Việt Nam có nhiều loại nước dùng được nấu từ xương bò, gà, lợn, hay hải sản. Mỗi loại có bí quyết nấu riêng nhưng gần như giống nhau về kỹ thuật, chỉ khác thời gian và các loại gia vị nêm nếm.


Thời gian và cách ninh các loại xương
Thời gian nấu các loại nước dùng tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu. Chẳng hạn, nước dùng gà và lợn xưa thường nấu 4-6 giờ (vì trước chủ yếu là chăn thả tự nhiên, thịt chắc, vị ngọt, thành phần dinh dưỡng bền vững), nay thời gian đun ít hơn. Riêng nước dùng bò thì ninh lâu hơn, từ 8 đến 10 giờ. Nước dùng thủy sản không nên đun quá 45 phút, nếu không sẽ đục và chua.


Điều kiện đầu tiên để có nồi nước dùng thật trong, ngọt là bạn phải chọn nguyên liệu thật tươi, ngon rồi sau đó dùng kỹ thuật chế biến phù hợp. Chẳng hạn, với nước dùng gà và lợn không nên sử dụng xương đầu nấu vì ôi. Xương hom và xương đuôi vừa ngọt vừa thơm.


Trước khi cho vào ninh, thịt, xương lợn gà cần trần qua một lần nước sôi (đun sôi, cho xương vào rồi bỏ nước này đi) để khử mùi hôi của thực phẩm và làm nước dùng trong.


Với xương bò, nhất là xương ống, trước khi ninh cần nướng với nhiệt độ cao thì nước dùng thơm, trong và ngon hơn.


Kỹ thuật đun: Cho xương đã trần vào nước lạnh, đun to cho sôi lại nhanh, sau đó hạ nhỏ lửa cho sôi lăn tăn vài phút cho các bọt cứng lại rồi hớt sạch. Sau đó, cho cả quá trình sôi liu riu.


Mỗi loại nước dùng cần gia vị đặc trưng
Tùy từng loại nguyên liệu mà có gia vị kèm theo:
- Nước dùng bò không thể thiếu quế chi, thảo quả, hoa hồi, gừng, hành khô. Hành và gừng cho xuống gầm lò nướng cho chín nhưng không cháy vỏ (chính lớp vỏ đỏ của hành khô có tác dụng làm nước trong, màu đẹp), hoa hồi bẻ từng cánh, quế bẻ nhỏ, quả thảo lấy hạt vàng khô thơm dùng khăn chà xát cho sạch, giã, rồi gói bằng vải sạch, cho vào nồi nước dùng. Trên nồi nước dùng bò thường có lớp mỡ để giữ nhiệt, giữ được các tinh dầu thơm.



- Nước dùng gà lợn thường có hành, hạt tiêu đập giập, gừng, nấm hương, chân nấm. Nước dùng gà lợn dùng ăn bún thang, tần, các món canh...


Cách khắc phục nếu trót nấu nước dùng đục
- Lòng trắng trứng đánh tan, cho vào nước dùng (lúc nguội), đặt lên bếp vừa đun vừa khuấy đều cho các vẩn đục bám hết vào trứng.



- Băm thịt (nước dùng gì thì băm thịt ấy), trộn lòng trắng trứng, nấm hương cho vào nước dùng nguội sẽ làm nước dùng vừa trong vừa ngon hơn.


- Nếu nấu nước gà bị đục, cho tiếp xương gà vào đun cũng làm nước trong và ngon hơn.


3 mon ngon cho bua an hang ngay

Bạn có thể ghi thêm 3 món đơn giản mà rất ngon là rau muống trộn dầu giấm, canh cá hú măng chua và cánh gà kho sả ớt vào thực đơn nhà mình để kịp cho cả nhà được thưởng thức vào bữa tối nay.


Rau muống trộn dầu giấm
Nguyên liệu: 1 bó rau muống, 100 g hành tây (1 củ vừa), muối, tiêu, đường, dầu ăn, giấm nuôi.
Cách làm: Rau muống nhặt bỏ lá, lấy phần cọng non bào sợi, ngâm với nước muối pha loãng 3 phút cho sạch và trắng, vớt ra rửa lại, để ráo nước. Hành tây bóc vỏ, bào mỏng, tách rời từng sợi.
Làm dầu giấm: 1/3 bát giấm nuôi, 1/3 thìa cà phê muối, 2 thìa cà phê đường, 1/2 thìa cà phê tiêu, 1 thìa súp dầu ăn, đánh cho tan đều. Sau đó cho hành tây thái sợi vào hỗn hợp dầu giấm. Cho rau muống ra đĩa, trước khi ăn 5 phút, rưới dầu giấm lên.


Canh cá hú măng chua


Nguyên liệu: 300 g cá hú đã làm sạch (2 khứa), 300 g măng chua, 2 quả cà chua, 2 cọng mùi tàu, 1 quả ớt sừng, 1 vắt me (50 g), hạt nêm, đường, nước mắm.
Cách làm:
Cá hú rửa sạch, ướp với 1 thìa súp nước mắm. Măng chua xả sạch, vắt ráo, mùi tàu thái nhuyễn, ớt sừng bào khoanh. Dầm me với nước sôi, bỏ xác, lấy 4 thìa súp nước. Đun sôi 1 lít nước, thả cá vào nấu vừa chín, vớt bọt. Cho tiếp măng chua và cà chua vào, nêm 1 thìa cà phê hạt nêm, nước me, 2 thìa súp đường, nấu sôi trở lại, tắt bếp.
Múc canh ra tô, cho rau mùi tàu và ớt sừng lên.


Cánh gà kho sả ớt

Nguyên liệu: 3 cánh gà (400 g), 50 g sả băm, 5 g tỏi băm, 10 g ớt xay, 1 cọng hành lá, hạt nêm, bột cà ri, đường, nước mắm, dầu ăn.
Cách làm:
Rửa sạch cánh gà, chặt miếng vừa ăn (dài khoảng 3 cm), ướp 2 thìa cà phê hạt nêm, hành lá cắt bỏ rễ, rửa sạch, tước sợi, ngâm vào nước cho tươi. Phi tỏi với 1/2 thìa súp dầu ăn, cho sả vào xào. Tiếp theo cho bột cà ri và ớt xay vào xào vàng. Cho gà vào xào săn, thêm 1/2 bát nước sôi, kho với lửa nhỏ. Nêm thêm 2 thìa súp nước mắm, 1 thìa cà phê đường. Khi nước trong nồi gần cạn thì tắt bếp.
Cho gà kho ra tô. Xếp hành lá tước sợi lên tô gà kho. Dùng nóng với cơm trắng.

Hai mon ngon chua benh


Có rất nhiều món ăn ngoài giá trị dinh dưỡng còn có khả năng phòng, chữa bệnh. Canh khoai sọ và cá ngần hấp là hai món có nhiều công dụng lại chế biến rất đơn giản.

Canh khoai sọ
Nguyên liệu: Khoai sọ 400 g, hành hoa 25 g, muối, mì chính, dầu ăn vừa đủ.
Công dụng: Trợ giúp tiêu hoá, chống viêm.

Cách làm: Khoai sọ gọt vỏ, rửa sạch thái miếng vừa ăn, hành xắt khúc. Cho dầu vào chảo phi thơm hành. Cho khoai sọ vào đảo, sau đó cho muối và 1 bát nước vào, đun to lửa cho sôi. Chuyển sang nhỏ lửa đến khi khoai nhừ là được.

Cá ngần hấp
Nguyên liệu: Cá ngần 1 con, hành, gừng, muối, mì chính, rượu trắng, dầu ăn vừa đủ.
Công dụng: Dưỡng gan bổ huyết, thích hợp cho các trường hợp viêm gan.
Cách làm: Cá bỏ đầu, đuôi, nội tạng, rửa sạch, cắt khúc, cho vào đĩa. Ướp với hành, gừng, muối, mì chính, rượu. Cho vào nồi hấp cách thủy chín là ăn được.

Suon bung

Món sườn bung chế biến xong có màu vàng của nghệ, dọc mùng xanh, vị ngọt hơi chua dịu rất bắt mắt và ngon miệng.

Nguyên liệu: Sườn lợn: 500 g, đu đủ xanh: 200 g, chuối xanh: 200 g, dọc mùng: 200 g, mẻ: 200 g, nghệ: 10 g, cà chua: 100 g và các loại gia vị: mì chính, nước mắm, hành hoa, mùi tàu.

Cách làm:
Sườn lợn rửa sạch, dọc 2 dẻ, chặt dài 4 cm, đổ nước vào đun sôi, hớt sạch bọt, đun nhỏ lửa.

Đu đủ xanh gọt vỏ, bỏ hạt, rửa sạch, thái con chì. Chuối xanh tước vỏ, thái con chì ngâm vào nước có pha dấm hoăc mẻ. Nghệ gọt vỏ, giã nhỏ, vắt lấy nước. Mẻ nghiền nhỏ, lọc bỏ bã trộn với nước nghệ.

Dọc mùng tước vỏ, thái vát, bóp chuối, rửa sạch, vắt ráo. Cà chua rửa sạch, bổ miếng cau. Hành hoa thái khúc, mùi tàu thái chỉ.

Cho đu đủ và chuối xanh vào nồi sườn, nêm nghệ, mẻ, nước mắm cho vừa, cho cà chua, trước khi bắc ra nêm mì chính, thả dọc mùng đun sôi, bắc ra cho hành hoa và mùi tàu vào.

Ăn nóng với cơm hoặc bún.
Sườn bung xong có màu vàng của nghệ, dọc mùng xanh, vị ngọt hơi chua dịu. Tỷ lệ cái và nước bằng nhau, các nguyên liệu cắt thái đều. Sườn chín mềm róc thịt.

Banh bot loc tom

Tuy hơi mất thời gian và công sức nhưng bạn sẽ khiến cả nhà bất ngờ khi được thưởng thức những chiếc bánh bột lọc tôm thơm ngon, hấp dẫn do chính tay bạn làm.

Nguyên liệu: 300 g bột gạo ngon, 300 g tôm tươi, 50 g bột năng, lá chuối 2 xấp, 1 quả chanh, 1/2 muỗng cà phê muối, 1 /4 muỗng cà phê bột ngọt, gia vị, dầu ăn.

Cách làm:

Bột bánh: Lượng 1 chén bột với 2 chén nước + bọt ngọt + muối + dầu ăn, quậy tan đều, lọc qua rây, cho vào xoong nước, bắc lên bếp lửa to. Dùng đũa quậy luôn tay đến khi bột vừa đặc thì nhắc xuống, tiếp tục quậy cho bột mịn và mau nguội.


Nhân: Tôm lột vỏ, bỏ chỉ đen trên lưng, chà muối cho sạch nhớt, để ráo, băm nhỏ. Bắc chảo lên bếp, cho 1 muỗng dầu ăn vào và phi thơm với một củ hành băm. Trút tôm vào, đảo đều. Nêm gia vị vừa ăn, xào đến khi khô, tắt bếp. Cho tôm vào cối, giã cho tôm tơi ra, xong trút lại vào chảo, đặt lên bếp lửa nhỏ, dùng sạn chà cho tôm tơi bông đều.

Gói bánh: Lá chuối xé bề ngang chừng 25 cm, trụng sơ nước sôi, lau khô. Xếp một lá dọc nằm dưới, 1 lá ngang nằm trên. Thao dầu ăn lên lá (để dễ bóc bánh). Múc 1 muỗng bột vào lá và trải ra hình chữ nhật. Rải nhân tôm nằm giữa bánh theo chiều dọc. Xếp 2 lá lại và bẻ 2 đầu lá. Dùng ống cán đì lên bánh cho bột mỏng đều.

Xếp bánh vào xửng, hấp chừng 10-15 phút.

Trình bày: Bóc bánh, xếp ra đĩa. Dùng với nước mắm ngon.


4 cach that ca vat

Ba bau khong nen xoa bung

Tối nào, Hoa cũng miệt mài thoa kem chống rạn vào cái bụng bầu. Rồi một ngày chị hoảng sợ khi biết đó chính là nguyên nhân khiến mình suýt bị sẩy thai.


Hoa (25 tuổi, Hà Nội) có thai 5 tháng. Lo sợ làn da sẽ bị rạn do tăng cân quá nhiều khi mang bầu, mỗi buổi tối sau khi tắm xong, dù mệt đến mấy, chị cũng không quên "nhiệm vụ" thoa kem lên toàn bộ da vùng bụng, hông, đùi. Chị massage thật kỹ để kem ngấm sâu vào da, tăng tác dụng bảo vệ. Sốt ruột thấy cái bụng ngày một lớn kéo theo nguy cơ làn da bị tàn phá, Hoa xoa kem mỗi lúc một mạnh tay hơn.


Ít lâu sau, Hoa thấy ở bụng có hiện tượng co cứng lại, xuất hiện ngày càng dày. Một hôm, thấy nhâm nhẩm đau bụng, cô lo sợ và đi khám. Bác sĩ cho biết cô bị động thai, dọa sẩy mà nguyên nhân là thoa kem chống rạn một cách quá "nhiệt tình". Nghe bác sĩ nói, Hoa mới được biết hiện tượng co cứng vùng bụng mà cô gặp phải chính là các cơn co tử cung. Các cơn co này xuất hiện quá nhiều sẽ dẫn đến phản ứng đẩy thai trong tử cung ra ngoài.


Còn chị Thương (Hà Đông, Hà Tây) cũng suýt mất đứa con trong bụng do quá... âu yếm con. Thương đã 34 tuổi mà chưa có em bé nào. Hai lần mang thai trước đó của chị đều bị sẩy chỉ sau một cú vấp nhẹ. Lần này, chị rất giữ gìn và em bé vẫn bình yên qua hết tháng thứ sáu. Nó đạp rất khỏe và mỗi lần con cử động, chị Thương đều sung sướng áp tay lên bụng, vuốt ve em bé. Điều này dần dần trở thành một thói quen. Cứ lúc nào nghĩ đến con là chị lại đưa tay lên xoa bụng, coi đó là cử chỉ âu yếm để tăng sự giao tiếp với thai nhi.


Và chị Thương cũng phải đi khám với cùng một lý do như chị Hoa. Lúc này chị mới biết, cách "giao tiếp với em bé" của mình rất có hại, nhất là với những người dễ bị sẩy thai như chị.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hinh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, việc xoa bụng bị "nghiêm cấm" trong suốt thời gian có thai bởi đây là động tác cực kỳ nguy hiểm. Nó làm tử cung xuất hiện các cơn co, dẫn đến sẩy thai, động thai, sinh con thiếu tháng. Càng về giai đoạn cuối của thai kỳ, nguy cơ từ việc xoa bụng càng lớn.


Do đó, các thai phụ nên tránh việc xoa vùng bụng. Nếu dùng kem chống rạn, cần bôi rất nhẹ tay, tránh massage. Những người có tiền sử sẩy thai hay sinh non càng cần phải cẩn thận.
Ngoài ra, việc kích thích đầu vú cũng dẫn đến gia tăng các cơn co tử cung. Vì vậy, khi quan hệ tình dục trong thời gian mang thai, nên tránh động tác này.